Cách kê khai hóa đơn đầu vào bị bỏ sót

 Luật:

► Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 số 31/2013/QH13

 Quy định:

► Căn cứ nghị định số 126/2020/NĐ-CP

 Các văn bản hướng dẫn:

► Căn cứ thông tư số 219/2013/TT-BTC

► Căn cứ thông tư số 78/2021/TT-BTC

NGUYÊN TẮC VÀ THỜI HẠN KÊ KHAI KHẤU TRỪ CỦA HÓA ĐƠN ĐẦU VÀO BỊ BỎ SÓT

► Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12.:

đ) Thuế giá trị gia tăng đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

► Căn cứ khoản 8 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.

Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”.

► Căn cứ Khoản 1 Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế:

“1. Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra”.

► Căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế:

“4. Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Người nộp thuế khai bổ sung như sau:

a) Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.

b) Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế”.

=> Như vậy nếu doanh nghiệp phát hiện ra hóa đơn đầu vào bị bỏ sót chưa kê khai thì được kê khai khấu trừ trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra. 

Chúng ta gặp 3 trường hợp sau khi khai bổ sung phổ biến sau: 

– Trường hợp 1: Nếu khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế:

=> Chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

+ Nếu DN chưa nộp hồ sơ quyết toán: Tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm

+ Nếu DN đã nộp hồ sơ quyết toán: Chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm mà không phải nộp tờ khai GTGT bổ sung, điều chỉnh.

Ví vụ 1: Sai sót các chỉ tiêu không làm tăng giảm thuế GTGT phải nộp như CT [23];CT[23a];CT[26]; CT[27];CT[29]; CT[30]; CT[32]

– Trường hợp 2: Nếu khai bổ sung làm tăng thuế phải nộp

=> Phải nộp thêm tiền thuế và tiền chập nộp

Ví dụ 2: Tháng 09/2023 doanh nghiệp kê khai bổ sung cho 1 hóa đơn bán ra bị bỏ sót của kỳ thuế tháng 01/2023. Sau khi điều chỉnh làm chỉ tiêu [40] > 0 => Doanh nghiệp phải nộp thêm tiền thuế tại CT [40] > 0 và tiền chậm nộp vào NSNN.

– Trường hợp 3: Nếu tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau

=> Phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại.

Ví dụ 3: Tại kỳ khai thuế tháng 09/2023 doanh nghiệp có làm tờ khai bổ sung cho 01 hóa đơn mua vào bị bỏ sót tháng 01/2023. Sau khi điều chỉnh, bổ sung làm chỉ tiêu [43] >0 => Doanh nghiệp đưa số tiền tại chỉ tiêu [43] > 0 vào chỉ tiêu [38] của tờ khai hiện tại (Tờ khai GTGT tháng 09/2023 hoặc quý 3/2023 nếu khai theo quý).

=> Như vậy căn cứ các văn bản hướng dẫn trên việc kê khai bổ sung hóa đơn đầu vào bỏ sót được thực hiện như sau:

  • Doanh nghiệp phát hiện hoá đơn đầu vào bị bỏ sót của kỳ (Tháng/quý) nào thì kê khai khấu trừ vào kỳ (Tháng/quý) đó: Tức là khai bổ sung vào kỳ mà hóa đơn mua vào bị bỏ sót được lập cụ thể:

– Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 9 năm 2022 vào tờ khai tháng 9 năm 2022

– Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 12 năm 2022 vào tờ khai tháng 12 năm 2022

– Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót tháng 1 năm 2023 vào tờ khai tháng 1 năm 2023

– Kê khai bổ sung hóa đơn GTGT đầu vào bị bỏ sót quý 1 năm 2023 vào tờ khai quý 1 năm 2023


  • Các công văn hướng dẫn có liên quan khác:

– Công văn số 2298/TCT-KK ngày 30/05/2024 của Tổng Cục Thuế:

– Công văn số 1903/TCT-KK ngày 07/05/2024 của Tổng cục thuế:

– Công văn số 86321/CTHN-TTHT ngày 07/12/2023 của Cục thuế Hà Nội – 

– Công văn số 3830/CTBDI-TTHT ngày 09/11/2023 của Cục thuế tỉnh Bình Định – Tải công văn

– Công văn số 4955/TCT-KK ngày 06/11/2023 của Tổng cục thuế:

– Công văn số 4954/TCT-KK ngày 06/11/2023 của Tổng cục thuế:

– Công văn số 4906/CT-KK ngày 16/08/2023 của Cục thuế tỉnh Nghệ An – Tải công văn

– Công văn số 2397/CTBNI-KKKTT ngày 27/6/2023 của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh – Tải công văn

– Công văn số 2546/TCT-CS ngày 22/06/2023 của Tổng Cục Thuế: Tải công văn

– Công văn số 3059/TCT-KK  ngày 18/08/2022 của Tổng Cục Thuế: Tải công văn

Trên đây là nội dung hướng dẫn của Công ty Hưng Thịnh căn cứ vào các quy định hiện hành. Trong quá trình áp dụng thực tế nếu doanh nghiệp thấy các văn bản bản hướng dẫn của ngành thuế không được thống nhất. Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất thì doanh nghiệp nên có văn bản yêu cầu Cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp trả lời chi tiết hướng dẫn bằng văn bản để doanh nghiệp có cơ sở xử lý. Xin trân trọng !