Theo quy định tại điều 17 Luật quản lý thuế thì tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh (Gọi chung là người nộp thuế) trong đó có hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Như vậy thì:
1. Chủ sàn thương mại điện tử có phải kê khai, nộp thuế thay người bán hàng trên sàn không ?
– Theo quy định tại khoản 7 điều 1 của Nghị định 91/2022/NĐ-CP, ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 thì:
Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
– Theo hướng dẫn tại khoản 2 điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 thì:
Tổ chức bao gồm cả chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
=> Như vậy các sàn thương mại điện tử không bắt buộc phải khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Nhưng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
2. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp các loại thuế nào? Tính thuế phải nộp như thế nào ?
Theo quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài và theo hướng dẫn tại khoản 2 điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNCN của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh:
- Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
- Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng thì phải nộp 3 loại thuế có liên quan như sau: Lệ phí môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN.
– Lệ phí môn bài với mức nộp như sau:
Bậc phí |
Doanh thu tính lệ phí môn bài |
Mức lệ phí môn bài phải nộp |
1 |
Doanh thu trên 500 triệu đồng |
1.000.000 đồng |
2 |
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng |
500.000 đồng |
3 |
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng |
300.000 đồng |
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thì không phải nộp tờ khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để xác định doanh thu làm căn cứ tính số tiền lệ phí môn bài phải nộp và thông báo cho người nộp lệ phí môn bài thực hiện.
– Thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu như sau:
STT |
Danh mục ngành nghề |
Tỷ lệ % tính thuế GTGT |
Thuế suất thuế TNCN |
1. | Phân phối, cung cấp hàng hóa | ||
– Hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng); | 1% | 0,5% | |
– Hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa không chịu thuế GTGT, không phải khai thuế GTGT, thuộc diện chịu thuế GTGT 0% theo pháp luật về thuế GTGT; | – | 0,5%
|
Lưu ý: Theo hướng dẫn tại điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì: Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
3. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phải đăng ký thuế không ?
Đăng ký thuế là đăng ký với cơ quan thuế để cấp một mã số thuế kinh doanh cho cá nhân kinh doanh trước khi kinh doanh. Nếu cá nhân đã có mã số thuế TNCN thì cơ quan thuế sẽ cấp thêm 1 mã số thuế kinh doanh dạng MST-001.
-
Đối tượng đăng ký thuế có 2 đối tượng như sau:
– Đối với cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký kinh doanh với phòng tài chính kế hoạch Quận, Huyện thì đã được cấp MST cùng với giấy đăng ký hộ kinh doanh.
– Đối với cá nhân còn lại chưa có mã số thuế kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 30 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và theo hướng dẫn tại điểm i khoản 2 điều 4 Thông tư 105/2021/TT-BTC về đăng ký thuế thuộc đối tượng phải đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế như: Hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh .
-
Hồ sơ đăng ký thuế gồm có:
– Mẫu số 03-ĐK-TC (Ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC)
– Mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (Ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC)
– Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của cá nhân
-
Nơi đăng ký thuế:
– Theo hướng dẫn tại khoản 8 điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC thì: Nơi đăng ký thuế là Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh.
-
Thời hạn đăng ký thuế:
Theo quy định tại khoản 2 điều 33 Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 thì thời hạn đăng ký thuế đối với cá nhân kinh doanh là 10 ngày làm việc kể từ khi được cấp giấy phép kinh doanh (nếu có) mà chưa được cấp mã số thuế kinh doanh hoặc khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
-
Cách đăng ký thuế:
– Gửi hồ sơ giấy qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan thuế
– Đăng ký trực tuyến trên hệ thống iCanhan tại trang www.canhan.gdt.gov.vn
Xem bài viết hướng dẫn cách đăng ký thuế trên trang www.canhan.gdt.gov.vn
4. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phải đăng ký giấy phép kinh doanh hay không ?
Theo quy định tại khoản 2 điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Đối với cá nhân kinh doanh là người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không phải đăng ký kinh doanh trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
=> Như vậy nếu cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không có địa chỉ kinh doanh cố định, kinh doanh không thường xuyên, kinh doanh theo mùa vụ … thì không phải đăng ký kinh doanh. Nếu kinh doanh thường xuyên, có địa chỉ kinh doanh cố định thì phải đăng ký kinh doanh.
5. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử kê khai thuế như thế nào ?
Hiện có 03 phương pháp kê khai thuế đối với cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử:
Phương pháp kê khai:
-
Đặc điểm:
– Có địa điểm kinh doanh cố định
– Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên hoặc chưa đáp điều kiện này nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
– Cá nhân kinh doanh phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ (theo hướng dẫn tại Thông tư số 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 của Bộ Tài chính) từ ngày 01/01/2022.
– Được sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng
– Cá nhân kinh doanh khai thực hiện khai thuế theo tháng theo quy định trừ trường hợp cá nhân kinh doanh kê khai đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ
-
Hồ sơ khai thuế:
– Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo Mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC);
– Phụ lục Bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai) theo Mẫu số 01-2/BK-HĐKD (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC). Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải nộp Phụ lục Bảng kê mẫu số 01-2/BK-HĐKD (ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC).
-
Nơi nộp hồ sơ khai thuế:
– Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh
-
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế:
– Theo tháng: thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo liền kề tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Theo quý: thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Xem bài viết hướng dẫn kê khai thuế trực tuyến theo phương pháp kê khai
Phương pháp khoán:
-
Đặc điểm:
– Có địa điểm kinh doanh cố định
– Áp dụng cho cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ
– Cá nhân kinh doanh khai thuế khoán ổn định 01 lần/năm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế
– Được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số nhưng phải khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn theo từng lần phát sinh.
-
Hồ sơ khai thuế:
– Tờ khai mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính) do cơ quan thuế cung cấp từ ngày 20/11 đến ngày 05/12 hàng năm.
– Đối với HKD sử dụng hóa đơn lẻ: Hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn lẻ của cơ quan thuế nộp Tờ khai thuế (Mẫu 01/CNKD) cùng với hồ sơ đề nghị cấp, bán hóa đơn lẻ theo quy định gồm:
+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề với hoạt động kinh doanh của hộ khoán;
+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn người bán hàng giao cho nếu là hàng nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất, cung cấp;…
-
Nơi nộp hồ sơ khai thuế:
– Tổ công tác tiếp nhận tờ khai thuế đặt tại UBND xã, phường, Thị trấn.
-
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán:
– Đối với hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trong năm thì nộp Tờ khai thuế ổn định đầu năm mẫu số 01/CNKD đến Tổ công tác tiếp nhận tờ khai thuế đặt tại UBND xã, phường, thị trấn chậm nhất là ngày 15/12 trước liền kề năm tính thuế.
Đối với hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.
– Đối với hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.
-
Thời hạn nộp thuế khoán:
Đối với hộ khoán ổn địng từ đầu năm: Thời hạn nộp thuế theo thời hạn trên Thông báo nộp tiền mẫu số 01/TB-CNKD của cơ quan thuế (Thường là ngày 31/1).
+ Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền theo mẫu số 01/TB-CNKD chậm nhất là ngày 20 tháng 01 hằng năm.
– Đối với hộ hộ khoán mới ra kinh doanh hoặc có thay đổi hoạt động kinh doanh: Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo.
+ Cơ quan thuế gửi Thông báo nộp tiền theo mẫu số 01/TB-CNKD chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo tháng có phát sinh tiền thuế phải nộp hoặc tháng có thay đổi tiền thuế.
– Đối với hộ khoán có sử dụng hóa đơn cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh của cơ quan thuế: Thời hạn nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn là chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.
Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh:
-
Đặc điểm:
– Áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế
-
Hồ sơ khai thuế:
– Tờ khai mẫu số 01/CNKD (ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính)
– Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:
+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;…
-
Nơi nộp hồ sơ khai thuế:
– Nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh.
-
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế:
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và tiền thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế
Xem bài viết hướng dẫn kê khai thuế trực tuyến theo phương pháp từng lần phát sinh
6. Cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không đăng ký, kê khai thuế có bị phạt không ?
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THỜI HẠN ĐĂNG KÝ THUẾ
– Căn cứ theo quy định tại điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Có thể bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng nếu chậm đăng ký thuế từ 1 đến 91 ngày trở lên tùy theo số ngày quá hạn đăng ký mà không có tình tiết giảm nhẹ.
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ THỜI HẠN NỘP HỒ SƠ KHAI THUẾ
– Căn cứ theo quy định tại điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Có thể bị phạt từ 2 đến 25 triệu đồng nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế thuế từ 1 đến 90 ngày trở lên tùy theo số ngày quá hạn nộp hồ sơ khai thuế mà không có tình tiết giảm nhẹ.
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH HÀNH VI TRỐN THUẾ
– Căn cứ theo quy định tại điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Có thể bị phạt tiền 1 đến 3 lần số thuế trốn nếu được xác định là hành vi trốn thuế và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
XỬ HÌNH SỰ TỘI TRỐN THUẾ
– Căn cứ theo quy định tại điều 200 của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và được sửa đổi tại khoản 47 điều 1 Luật số 12/2017/QH14: Có thể bị phạt tù từ 03 tháng – đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.